Ca sĩ hát cải lương: Bế tắc về nghệ thuật?
Thông tin hơn 20 ca sĩ ngôi sao như Mỹ Tâm, Cẩm Ly, Thanh Thảo, Thu Minh, Đàm Vĩnh Hưng, Minh Thuận... rầm rộ lên sàn tập vở cải lương Lan và Điệp với đầu tư tiền tỷ ngay lập tức gây bàn tán xôn xao trong dư luận và giới văn nghệ. Số đông ý kiến lại chẳng mấy hoan nghênh hình thức làm nghệ thuật kiểu tréo ngoe như vậy...
Ca sĩ thi nhau hát... cải lương
Từ năm, bảy năm trước, khi cải lương lao đao, nhiều ngôi sao cải lương như Vũ Linh, Tài Linh, Thoại Mỹ, Kim Tử Long, Vũ Luân, Thanh Ngân, Kim Tiểu Long, Quế Trân... đã chuyển sang hát nhạc trẻ còn nhiều hơn cả hát cải lương khi chạy show khắp trong và ngoài nước. Ngược lại, từ ba, bốn năm nay lại có hiện tượng nhiều ca sĩ nhạc trẻ ồ ạt hát vọng cổ để lôi kéo sự chú ý của khán giả.
Sự tham gia vào cải lương của giới ca sĩ còn gây xôn xao khi đạo diễn Hoa Hạ huy động hàng loạt ca sĩ như Phương Thanh, Minh Thuận, Thu Minh, Đức Tuấn, Hồ Ngọc Hà, Thanh Thúy... vào hai vở cải lương thử nghiệm Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga… Còn mới đây nhất là sự khởi động của vở cải lương Lan và Điệp, dự định sẽ do toàn ca sĩ diễn như diễn viên cải lương chuyên nghiệp.
Không chỉ giới ca sĩ đang ngày càng thâm nhập vào lĩnh vực cải lương, các diễn viên kịch cũng đổ bộ vào cải lương ào ạt với các tên tuổi: Hoài Linh, Thanh Thủy, Minh Nhí, Hữu Châu, Trung Dân, Cát Phượng, Việt Hương, Ngọc Trinh, Thúy Nga, Anh Vũ, Minh Béo...
Khán giả chỉ chấp nhận có giới hạn
Chỉ qua một thời gian ngắn chấp nhận vì lạ lẫm, khi các ngôi sao cải lương bắt đầu lạm dụng việc trình diễn ca nhạc, kể cả trong những live show cải lương của mình, lập tức khán giả phản ứng ngay như với Thanh Ngân, Quế Trân... Đơn giản vì nghệ sĩ không thể hát ca nhạc hay bằng ca sĩ. Khán giả cũng chỉ xem họ là ngôi sao khi họ hát cải lương, bỏ tiền ra để nghe, xem họ ca cải lương chứ không phải để xem họ hát nhạc trẻ.
Với trường hợp ca sĩ, diễn viên kịch bước vào cải lương cũng vậy, khán giả chỉ chấp nhận họ ở một giới hạn nhất định. Nếu ca sĩ chỉ dừng ở mức bất chợt ca vài câu vọng cổ theo kiểu tài tử, hay dở thế nào cũng nhận được những tràng pháo tay đầy cảm tình. Hay khi NSƯT Bạch Tuyết làm live show cải lương Tự tình quê hương, sự có mặt của ca sĩ Ngọc Sơn diễn vai Trần Bình Trọng trong trích đọan Thiền ca Yên Tử; hay việc danh hài Hoài Linh vào vai hội đồng Thăng trong Đời cô Lựu được xem là một trong những yếu tố thành công, tạo ra sự chờ đợi nơi khán giả. Thành công này có được nhờ sự cân nhắc thận trọng khả năng ca diễn cải lương của Ngọc Sơn và Hoài Linh của đạo diễn.
Làm hại nghệ thuật
Còn đi xa hơn, khi đạo diễn Hoa Hạ đẩy Phương Thanh vào vai Thúy Kiều để cô ca vọng cổ và diễn xuất hẳn hoi, sự phản cảm, phản đối từ khán giả xuất hiện mạnh mẽ ngay lập tức. Đã qua đến hai lần thử nghiệm với Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga, đừng nói việc để ca sĩ ca diễn cải lương như trường hợp Phương Thanh, nội việc để hàng loạt ca sĩ thỉnh thoảng lại chen vào hát một ca khúc trong hai vở cải lương này đều cho kết quả không thuyết phục và đều bị dư luận chỉ trích.
Các ca sĩ rõ ràng ca vọng cổ không hay, hát bài bản không rành, diễn xuất thì cứng đơ. Số đông khán giả đã bình luận qua mạng là dạng làm cải lương như thế này chứng tỏ giới biểu diễn đang bế tắc về mặt nghệ thuật lẫn năng lực thu hút khán giả.
Hay nói như một nhà chuyên môn: “Những người làm nghệ thuật đã đi sai đường khi không nỗ lực sáng tác ra kịch bản cải lương, ca khúc ca nhạc mới hay hơn; đào tạo ra những nghệ sĩ, ca sĩ trẻ giỏi hơn để chinh phục khán giả mà lại loay hoay trong những hình thức gây tò mò dễ dãi nhằm lôi kéo khán giả”.
Giáo sư Trần Văn Khê:
Kết hợp hai thứ không cùng loại sẽ dẫn đến đào thải nhau
Việc kết hợp những loại nhạc tân, nhạc phương Tây vào cải lương, tôi không tán thành ngay từ đầu. Ngay với thể loại tân cổ giao duyên tôi cũng không hoàn toàn hài lòng. Trừ những bài kết hợp giữa nhạc tân và vọng cổ nhuần nhuyễn của soạn giả Viễn Châu, tôi cho thể loại này có ít bài hay. Việc đưa các ca khúc hiện đại, thể loại nhạc opera của phương Tây vào kết hợp với sự luyến láy, cái mùi mẫn của vọng cổ và ở cải lương sẽ làm cải lương không còn chất cải lương nữa. Bởi ở đây là sự kết hợp giữa hai loại hình nghệ thuật không cùng loại sẽ dẫn đến việc hai bên không hòa hợp nên đưa đến quy luật đào thải nhau. Ví như mình ghép cây cỏ không cùng loại với nhau cây sẽ chết, còn người nếu được ghép thận không phù hợp với cơ thể cũng sẽ chết!
(Hòa Bình - Báo Pháp luật TPHCM)