Phượng Mai (Tiểu Lăng Ba Việt Nam - Thần Đồng Thập Niên 60) Nếu đánh giá về nghệ sĩ Phượng Mai trên sân khấu cải lương, thì hai chữ “tài năng” quá dư thừa , cô được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời nhất, ông và bà Ngoại của cô đều là kép chánh và đào chánh trên sân khấu, ông Ngoại là kép chánh mang tên Cao Tùng Châu và bà Ngoại là đào chánh trên sân khấu hát bội tên Cao Long Ngà, ngoài ra bà Ngoại cô còn là “bầu” của đoàn hát Phước Cương thời ấy (thuộc về lớp tiền bối)….Theo lời kể của các nghệ sĩ lớn tuổi sau 1975 Phượng Mai là cô đào sáng giá trong bốn cô đào hát hồ quảng trong thập niên 60 & thập niên 70, bước chân lên sân khấu lúc 5 tuổi trong vở cải lương Lương Sơn Bá
, ngoài ra PM còn đóng kịch và phim ảnh như (kịch) Thiếu Phụ Nam Xương (phim ảnh) Ảo Ảnh…..”, theo lời kể của chính nghệ sĩ: Phượng Mai: “có thể nhìn ra cháu mình có năng khiếu nên bà Ngoại cô (bà Cao Long Ngà), đúng 7 tuổi bà đã truyền cho cô các môn vũ đạo (trong nghề gọi là bẻ tay bẻ chân), ngoài ra bà của cô còn gởi gấm cô theo bái sư cùng các thầy (cổ nhạc) thầy Tư Tân, (tuồng cổ) nghệ sĩ Minh Tơ, (tân nhạc) Bảo Thu, học thêm các môn ca diễn qua nghệ sĩ Phùng Há”. Trên sân khấu đồng ấu Minh Tơ vào năm 1965 Phượng Mai thành công qua rất nhiều vở tuồng như “Na Tra, Ngũ Biến, Hoa Mộc Lan, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài…”, riêng vở cải lương LSB-CAĐ cô diễn trọn cả 2 vai trò rất thành công khi tròn 9 tuổi, và cô đã được giới báo chí săn đón đặt cho biệt hiệu “Thần Đồng Tiểu Lăng Ba”, vì người nghệ sĩ diễn tuồng Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài bên Đài Loan được xem là hay nhất lúc bấy giờ chỉ có Lăng Ba & Lạc Đế.
Nghề dạy nghề, đến năm 14 tuổi cô là cô đào chánh được coi là vững vàng từ vũ đạo đến cách luyến láy, cô ký hợp đồng cùng nhiều đoàn cải lương, diễn chung rất nhiều với các nghệ sĩ tên tuổi, một năm sau cô gia nhập đoàn Hà Triều - Hoa Phượng trên sân khấu này cô dần dần quen với vai trò tuồng tích xã hội, sau ngày miền Nam rơi vào tay Cộng Sản, người ra đi, kẻ ở lại nghệ sĩ Phượng Mai về “đầu quân” trên sân khấu hồ quảng Minh Tơ diễn chung với kép chánh Thanh Tòng qua các vở “Dưới Cờ Tây Sơn, Xuân Về Trên Đỉnh Mã Phi, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài”, cộng tác trên sân khấu Minh Tơ được gần 2 năm cô được đoàn Huỳnh Long mời về cộng tác, trên sân khấu Huỳnh Long cô lại thành công qua các vở tuồng “Lưu Kim Đính Giải Giá thọ Châu, Về Đất Kinh Châu, Tấm Cám”, riêng 2 vở tuồng trên sân khấu Huỳnh Long cô tạo tiếng vang lớn nhất, cho đến nay chưa nghệ sĩ tuồng cổ nào diễn đạt vai trò qua cô “Triệu Tử Long” kép vỏ trong Về Đất Kinh Châu & “Tấm” đào thương trong Tấm Cám, đến năm 1979 có thể tìm cho mình một tương lai tươi sáng hơn nên cô đã bỏ Quê Hương và tìm đường ra đi, năm 1979 cô định cư tại Tây Đức.
Thời gian đầu xa Quê Hương, nhớ ánh đèn sân khấu, nhớ bạn diễn, cô bị bơ vơ lạc lõng vì không có đầy đủ tuồng tích, để mưu sinh cô chuyển từ cổ nhạc sang trình diễn tân nhạc (trước kia cô đã được thầy Bảo Thu chỉ dạy) trên sân khấu Maubert (French), và cô rất thành công trong vai trò mới này, từ đó cô trở lại nghiệp “cầm ca”. Trong thập niên 80 ông Tô Văn Lai tổ chức thâu hình băng video chủ đề Giã Biệt Sài Gòn, cô là một trong những ca sĩ định cư tại Hải Ngoại được mời tham gia, và bài hát “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển” đã gắn liền cùng tên tuổi Phượng Mai từ thập niên 80 đến nay trong lòng người yêu và hiểu về âm nhạc, cô cộng tác cùng trung tâm Thúy Nga một thời gian rất dài từ Pháp đến Hoa Kỳ. Từ năm 1994 cô định cư hẳn tại Hoa Kỳ cho tiện trong công việc trình diễn và sống cạnh ái nữ là ca sĩ Thảo Sương (vì Little Sài Gòn là cái nôi của văn nghệ Việt Nam), trong thời gian sinh sống tại Hoa Kỳ cô đi và về Việt Nam thường xuyên hơn, vì cô được nhiều hãng băng dĩa Hải Ngoại “săn đón” trong vai trò tuồng cổ và xã hội được thâu hình thành Video và DVD. Trước khi Phương Tùng phỏng vấn nghệ sĩ Phượng Mai, PT xin được trích sơ qua vài ý kiến đóng góp của bạn bè và khán giả xa gần yêu mến cô, trong năm 2004, khi PT có cơ hội viết bài về cô và PT nghĩ các ý kiến này rất hay và rất có ích cho một tài năng trên sân khấu tuồng cổ trong và ngoài nước như nghệ sĩ Phượng Mai.
Nghệ sĩ ưu tú Thanh Tòng: (Là đàn anh của nghệ sĩ Phượng Mai, nên Thanh Tòng hiểu rất rõ về cô) Vì chúng tôi cùng xuất thân từ ‘lò” Minh Tơ & đứng chung trên cùng một sân khấu, Phượng Mai rất chịu khó học hỏi, tánh tình rất khiêm tốn và bình dị, cô có tài năng lại là con nhà nòi, cô rất sáng sân khấu và được duyên với “Tổ Nghiệp”, có thể nói cô diễn trọn vai trò đào văn lẫn đào võ, điều đặc biệt cô giả trai rất xuất sắc, ngoài vũ đạo ra cô còn giữ được làn hơi và ca rất hay, có thể nói trong các vai mà PM diễn qua chưa có nghệ sĩ nào diễn lại được coi là ưng ý như: “Na Tra, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Ngũ Biến, Xuân Về Trên Đỉnh Mã Phi…”, đang thành danh thì cô lại rút lui một thời gian khá dài, dạo gần đây được xem trên các VCD và DVD tôi thấy cô vẫn còn phong độ của vũ đạo và bộ môn hồ quảng, nói đến Phượng Mai là khán giả dễ dàng nhớ đến biệt danh mà giới báo chí Sài Gòn “phong tặng” cô, từ những ngày cô chập chửng đứng trên sân khấu “Đồng Ấu” Minh Tơ, biệt hiệu của nghệ sĩ Phượng Mai lúc ấy là “Thần Đồng Tiểu Lăng Ba”.
Ý kiến từ khán giả: Nếu nói về Cải Lương Hồ Quảng ngoài các cô đào chánh “Thanh Thế, Bạch Lê, Ngọc Đáng, Kim Mai” ra, chúng ta không thể nào bỏ sót được Phượng Mai, cho dù cô diễn vai trò của một “đào thương” hay của một “đào võ”, thì nghệ sĩ Phượng Mai vẫn diễn tròn vai trò của nhân vật.
Vì là khán giả sau 1975, nên tôi không rành về Phượng Mai lắm, chỉ biết chị trên các video Hải Ngoại hoặc trên các DVD cải lương trong nước…. tôi thích nhất vở Cải Lương Hồ Quảng “Hai Mảnh Hoa Tiên”, qua vở tuồng tôi mến tài ca Hồ Quảng của Phượng Mai.Với tôi thì Phượng Mai tuyệt vời trong vũ đạo và cách nhả chữ rất hoàn hảo, tôi thích vở “Hoàng Hậu Không Đầu”, với vóc dáng thon thả, gương mặt sáng sân khấu và đẹp dịu hiền trong vở tuồng “Tấm Cám”, mà tôi đã được xem qua trên DVD Cải Lương do Phượng Mai diễn
Trước 1975, tên tuổi Phượng Mai đã in sâu trong tâm khảm người yêu mến bộ môn Hồ Quảng trong các vai võ, nhất là vai Triệu Tử, tuy hiện tại “tuổi đời” chồng chất, nhưng hình ảnh của Phượng Mai chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí người yêu mến bộ môn Hồ Quảng, ngoài ra trong vở Cải Lương “Song Nữ Loạn Viên Môn”, với vai nguyên soái Mai Tuyết Trinh, có thể nói Phượng Mai diễn đạt vai trò này kèm theo những vũ đạo rất điêu luyện, đẹp tuyệt vời khi nguyên soái Mai Tuyết Trinh xử tội hai người “phu quân” bạc tình, trong gia đình thì vai Mai Tuyết Trinh lại dịu dàng, nhân hậu và hiền lành, hết mực thương yêu và lo cho gia đình, cho chồng con
Trên đây là một vài ý kiến mà Phương Tùng “thâu lượm” từ khán giả gởi qua email, cũng như trên các trang website. Để không làm loảng đi bài viết (vì nếu viết về một tài năng như cô thì viết không bao giờ hết). Phương Tùng xin được vào phần cuối của bài viết và mời đọc giả xa gần theo dõi.
Tiểu Sử và Cuộc Phỏng Vấn!.
Họ và Tên: Trương Thị Bích Phượng
Nghệ Danh: Phượng Mai
Sinh Nhật: Ngày 29 Tháng 10 Tại: Sài Gòn, Việt Nam
Sở Thích: Là người sống về nghệ thuật, thì đương nhiên Phượng Mai thích tìm tòi những gì liên quan đến văn nghệ để học hỏi thêm, ngoài ra PM rất thích Bướm, Trúc, Gấu Panda
Màu sắc yêu thích: Đen & Tím
Điều ghét nhất: Giả dối & điêu ngoa hay nói xấu để hại người
Châm ngôn của cuộc sống: Cần có đạo đức, tôn trọng nghề nghiệp
Thần Tượng Nghệ Thuật: cố nghệ sĩ Thanh Nga, Nữ tài tử Lăng Ba
Món ăn yêu thích: Hình như dạo gần đây cô không kén chọn, nên hơi tròn (cười)
Địa chỉ liên lạc: Mọi ý kiến đóng góp xin vui lòng biên thư về địa chỉ email: Hoanglaotadaohao@yahoo.com.Phương Tùng (PT): Chào cô Phượng Mai, qua tuần báo Phụ Nữ Cali tại San Jose và các trang website:
www.phunucali.com, www.cailuongvietnam.com, cô có thể cho Phương Tùng và đọc giả, khán giả biết thêm về cô. Cô tham gia nghệ thuật lúc cô mấy tuổi?, ngoài vai trò ca hát (tân nhạc & cổ nhạc) ra, cô có tham gia thêm bộ môn nào khác không cô?.
Phượng Mai (PM): Chào Phương Tùng, xin cho Phượng Mai gởi lời chào đến quý đọc giả tuần báo Phụ Nữ Cali tại San Jose cũng như quý khán giả xa gần, Phượng Mai xin kính chúc quý vị luôn mạnh cũng như luôn được an lành trong đời sống, trước khi trở thành nghệ sĩ trên sân khấu, lúc 5 tuổi Phượng Mai đã được tham gia trong các lãnh vực Phim Ảnh & đóng Thoại Kịch.
Phuơng Tùng: Wow, vậy là cô trở thành diễn viên điện ảnh lẫn kịch nghệ trước khi bước chân sang lãnh vực cải lương và tân nhạc?, cô có thể cho biết thêm những phim và kịch nào cô tham gia , lúc đó cô diễn bên cạnh ai?. Và cô đến với bộ môn Cải Lương Hồ Quảng lúc nào?.
Phượng Mai: Đúng vậy Phương Tùng, lúc 5 tuổi cô từng được tham gia trong lãnh vực điện ảnh với “kỳ nữ” Kim Cương và Hoàng Vĩnh Lộc, bộ phim được coi là ưng ý nhất lúc ấy mang tên Ảo Ảnh do Lê Hoàng Hoa đạo diễn, sau đó “kỳ nữ” Kim Cương có xin với bà Ngoại cô (cố nghệ sĩ hát bội Cao Long Ngà) cho cô theo nghề, và cô tham gia diễn kịch cùng “kỳ nữ” Kim Cương gần hai năm, trong thời gian tham gia lãnh vực kịch nghệ và phim ảnh cô được bà Ngoại gởi đi học võ, đúng 7 tuổi cô được thọ giáo thầy Tư Tân về bộ môn cải lương. Năm 9 tuổi cô được nhạc sĩ Bảo Thu dạy thêm về tân nhạc.
Phương Tùng: Cám ơn cô nhiều lắm, vì cô còn nhớ đến tên những người thầy đã từng dạy, đúng là “ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, trong thập niên 60 cô được giới báo chí tại Việt Nam đặt cho cô một biệt danh rất hay “Thần Đồng Tiểu Lăng Ba”, cô có thể kể thêm, lý do nào cô được mang biệt hiệu trên? là nghệ sĩ gần 50 năm với cô những vở tuồng nào cô thấy ưng ý và được khán giả thương mến nhất?.
Phương Mai: Có gì đâu Phương Tùng, vì nếu mình thành danh đến ngày hôm nay, đương nhiên cũng phải trải qua sự rèn luyện và chỉ giáo của các bậc thầy, năm 1965 trên sân khấu “đồng ấu” Minh Tơ cô diễn qua rất nhiều tuồng tích của Trung Hoa, và có thể nói vở cải lương Hồ Quảng cô diễn năm 1965 “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài” được coi là xuất sắc nhất, khi được báo chí phỏng vấn, hỏi về “thần tượng” cô trả lời là nghệ sỉ của màn bạc Trung Hoa thời bấy giờ Lăng Ba (người nổi danh với bộ phim LSB), sau đó thì cô được thương mến của khán giả và báo chí nên cô được có biệt danh “Thần Đồng Tiểu Lăng Ba”, Phượng Mai theo nghề gần năm mươi năm, đương nhiên Phượng Mai cũng diễn qua rất nhiều vở cải lương, nếu nói thì nhiều lắm, ví dụ những tuồng trước và sau 1975 cũng như hiện tại mà Phượng Mai được khán giả nhắc nhở như “Về Đất Kinh Châu, Võ Tòng Sát Tẩu, Phụng Nghi Đình, Đào Tam Xuân Báo Phụ Cừu, Lưu Kim Đính Giải Giá Thọ Châu, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Tấm Cám, Xuân Về Trên Đỉnh Mã Phi ,Tình Sử A Nàng, Hoàng Hậu Không Đầu..”, các vở tuồng này Phượng Mai được quý khản giả trước và sau 1975 yêu mến nhất.
Phương Tùng: Khi còn sinh sống tại Việt Nam, cô có thể cho biết những đoàn hát nào mà cô đã từng cộng tác qua, đang thành danh trên sân khấu cũng như truyền hình, năm 1979 cô bỗng “mất tích”, và thập niên 80 khán giả khắp năm châu vui mừng thấy cô xuất hiện trên màn ảnh video của trung tâm Thúy Nga, vậy cơ duyên nào đưa cô đến với Paris By Night trong các chương trình phục vụ tân nhạc, và những bài hát nào mà cô được khán giả yêu mến nhất từ thập niên 80 trên các chương trình thâu hình video do Paris By Night thực hiện?.
Phượng Mai: (cười) Phượng Mai đâu có bị “mất tích”, đang thành danh trên sân khấu và truyền hình, năm 1979 PMâ cùng phu quân định cư tại Tây Đức, lúc đầu xa Quê Hương, nhớ gia đình, nhớ khán giả và nhớ bạn diễn tại Hải Ngoại cô không biết làm gì?, trong thập niên 80 trung tâm Thúy Nga tại Pháp thâu hình video đầu tiên mang chủ đề “Giã Biệt Sài Gòn”, cô là một trong những ca sĩ được Paris By Night mời cộng tác đầu tiên, trên sân khấu PBN cô trình diễn rất nhiều nhạc phẩm, nhưng bài hát gây ấn tượng trong thập 80 và 90 “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển (Châu Đình An) và Chiều Tây Đô, Sắc Hoa Màu Nhớ, Nỗi Buồn…”, trước và sau 1975 tại Việt Nam cô được mời cộng tác cùng các đoàn cải lương: “Mùa Hoa Mới (của Hà Triều - Hoa Phượng), Sơn Minh, Huỳnh Long, Minh Tơ ,Dạ Lý Hương (Hùng Cường/trước 1975), Dạ Lý Hương (Mộng Tuyền/sau 1975), Kim Chưởng, Trúc Giang, Ban Tạp Lục Tùng Lâm, vũ trường Maxim (cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ), còn nói về trên màn ảnh truyền hình: Thiếu Nhi Hoa Thế Hệ, ban Khánh Hồng - Minh Tơ, ban Phụng Hảo…”
Phương Tùng: Sau khi định cư tại Hải Ngoại, những trung tâm nào cô cộng tác từ thập niên 80 đến nay?.
Phượng Mai:Sau khi định cư tại Hải Ngoại từ Tây Đức cô được trung tâm Thúy Nga mời sang Paris thâu hình, đến 1994 cô quyết định dọn sang Hoa Kỳ sống gần ái nữ (ca sĩ: Thảo Sương), sau đó cô được mời cộng tác thêm với các trung tâm tại Hoa Kỳ như Mây Production, Vân Sơn, trung tâm Giáng Ngọc, Người Đẹp Bình Dương, Truyền Hình Văn Nghệ Việt Nam, trung tâm Mưa Hồng (Apple film), Phượng Hoàng Paris, Thanh Hằng Production, Làng Văn, Blue Ocean….
Phương Tùng: Làm người của công chúng thì thường gặp nhiều chuyện Scandal, gần 50 năm phục vụ cho nghệ thuật, có bao giờ cô gặp chuyện Scandal chưa?, nếu gặp cô sẽ phản ứng ra sao?.
Phượng Mai: Phượng Mai đứng trên sân khấu gần 50 năm, nếu nói chưa bao giờ gặp chuyện Scandal thì có lẽ không đúng phải không Phương Tùng? (cười), nhưng may mắn là những Scandal xảy ra không đáng kể, nếu gặp chuyện Scandal xảy đến thì Phượng Mai sẽ tìm hiểu nguyên nhân từ đâu?, và Scandal đó đến với dụng ý gì?….
Phương Tùng: Là ca (nghệ) sĩ lâu năm, đương nhiên cô cũng có rất nhiều tuồng hay nhạc thâu thành Video, Cassette, DVD, Compact Disk, vậy gia tài của cô có khoảng bao nhiêu (cười)?.
Phượng Mai: (cười) Nếu nói gia tài thì cô không dám nhận, vì trong cuộc đời ca hát cô ít có tự thực hiện hay thâu hình cho cá nhân mình, nhưng nói theo Phương Tùng thì “gia tài” của Phượng Mai có gần 200 Video, DVD đủ thể loại trên thị trường (tân cổ, cải lương xã hội (hồ quảng), điện ảnh), gần 1000 bài hát được mời thâu âm qua Cassette, DVD, Karaoke…
Phương Tùng: Cảm ơn cô dành cho Phương Tùng cuộc trò chuyện này, có 1 câu hỏi của đọc giả trên
www.myspace.com/phuongtung nhờ hỏi, “Là một ca sĩ nữ, cô lại diễn đạt qua các vai nữ và đặc biệt là vai nam, khi diễn vai nữ cho dù đào võ cô vẫn có nét của phái nữ, nhưng khi xuất hiện trong vai nam thì vũ đạo cô không có lẫn lộn nét nữ trong vai trò nam, làm sao cô lại diễn đạt thế?”. Qua tuần báo Phụ Nữ Cali tại San Jose cô có lời nhắn gửi gì không?, ngoài ra dự tính của cô trong tương lai là gì?, cô có tính đào tạo mầm non cho bộ môn hồ quảng tại Hải Ngoại không?.
Phượng Mai: Phượng Mai cũng cám ơn Phương Tùng dành cho cô cuộc trò chuyện này, Phượng Mai xin được trả lời cùng đọc giả là, làm nghệ thuật cái quan trọng là mình cần có đạo đức của nghề nghiệp, và quan trọng phải học hỏi thêm từ những bậc tiền bối đi trước, Phượng Mai cũng xin cám ơn lời khen tặng của khán giả, theo Phượng Mai mình muốn diễn trọn vai trò điều quan trọng mình cần đọc kỷ qua nội dung và tính cách của nhân vật, vã lại Phượng Mai không kén chọn vai diễn, và Phượng Mai cố gắng trau dồi thêm để không phụ lòng quý khán giả xa gần. Sau cùng Phượng Mai xin cám ơn đến ban biên tập tuần báo Phụ Nữ Cali tại San Jose và các trang website:
www.phunucali.com, www.cailuongvietnam.com, đã cho Phượng Mai cơ hội trò chuyện cùng quý đọc giả, khán giả xa gần, nếu nói đào tạo “mầm non” cho bộ môn nghệ thuật thì trước kia Phượng Mai đã từng có “học trò”, nhưng Phương Tùng biết sao không?, làm gì thì cũng cần có cơ duyên. Và dự tính của Phượng Mai trong tương lai nếu được Phượng Mai sẽ thực hiện một chương trình “live show” khi tuổi đời đúng 55, và đánh dấu kỷ niệm 50 năm Phượng Mai tham gia sinh hoạt nghệ thuật….
Phương Tùng cũng xin cám ơn cô Phượng Mai đã dành cho Phương Tùng được phỏng vấn cô, tuy Phương Tùng viết chưa đầy đủ lắm, hy vọng quý đọc giả và quý khán giả xa gần niệm tình tha thứ sự thiếu sót về nghệ sĩ Phượng Mai, thay mặt báo chí và trang web Phương Tùng xin chúc cô Phượng Mai luôn khoẻ mạnh để cống hiến bộ môn hồ quảng đến khán giả xa gần, và cũng xin chúc cô sẽ được tổ chức một chương trình “live show” kỷ niệm 50 năm trong cuộc đời phục vụ nghệ thuật của cô (1961 - 2011).
Phương Tùng rất may mắn khi bài viết chuẩn bị lên khuôn, nhận được ý kiến rất hay từ một nhà báo, thay mặt khán giả & đọc giả khắp nơi xin cám ơn chú.
- Giới báo chí đặt tên cho nghệ sĩ Phượng Mai “thần đồng Tiểu Lăng Ba”, ngoài tên “thần tượng” do nghệ sĩ Phượng Mai cho biết ra, giới khán giả Trung Hoa tại Chợ Lớn - Sài Gòn gọi Phượng Mai biệt danh Trung Hoa “Xỉu Lìng Pố”.
- Trước 1975, khi được đoàn cải lương Mùa Hoa Mới (Hà Triều - Hoa Phượng) mời về cộng tác, Phượng Mai là người có số tiền “cát xê” được coi là cao nhất, mỗi năm hợp đồng của cô là Một Triệu Đồng tiền Việt Nam (trước 1975), đấy là con số đạt kỷ lục mà chưa nghệ sĩ nào có.
- Tháng 11 năm 1978, nghệ sĩ Thanh Nga bị ám sát, hai tháng sau (01/1979) khi đang cộng tác cùng đoàn Trúc Giang (của ông Năm Sơn), Sở Văn Hoá chọn đoàn Trúc Giang tái diễn vở Thái Hậu Dương Vân Nga trên sân khấu (dành riêng 24 đoàn cải lương của bạn xem), và trong hàng ghế khán giả có 6 nghệ sĩ từng diễn qua vai Thái Hậu Dương Vân Nga (Kim Hương , Mộng Tuyền ,Hà Mỹ Xuân, Bạch Tuyết ,Ngọc Giàu, Lệ Thủy), một điều rất vui mà tôi không biết Phượng Mai có nhớ không?, đoàn Trúc Giang lúc ấy là một đoàn nghèo nhất trong các đoàn sau 1975, tái diễn vở Thái Hậu Dương Vân Nga, đoàn Trúc Giang được sự ủng hộ & giúp đở từ trang phục, ánh sáng, âm thanh đều do các đoàn bạn cho mượn (kịch bản & trang phục: đoàn Thanh Nga, cảnh trí sân khấu: đoàn Sài Gòn 1, âm thanh: đoàn Trần Hữu Trang), và Phượng Mai diễn rất “xuất sắc” trong vai Dương Vân Nga bên cạnh kép Viễn Sơn vai Lê Hoàng, đang trên đà “nổi tiếng” thì năm 1979 cô vắng mặt trên các sân khấu và truyền hình, và thập niên 80 tôi cũng như khán giả khắp nơi đã chào đón và vui mừng khi thấy Phượng Mai lại xuất hiện trên sân khấu Video của trung tâm Thúy Nga tại Paris.
Phương Tùng
(Westminster, CA 10/2008)
Copyright 2008 JPT (JPT-FANCLUB)
(theo Phụ Nữ Cali)