Cải lương là một loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam Việt Nam, hình thành trên cơ sở dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long và nhạc tế lễ[1].
Giải thích chữ "cải lương" (改良) theo nghĩa Hán Việt, giáo sư Trần Văn Khê cho rằng: "cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn", thể hiện qua sân khấu biểu diễn, đề tài kịch bản, nghệ thuật biểu diễn, dàn nhạc và bài bản.[2]
Về thời gian ra đời, theo Vương Hồng Sển: tuy "có người cho rằng cải lương đã manh nha từ năm 1916, hoặc là 1918", nhưng theo ông thì kể từ ngày 16 tháng 11 năm 1918, khi tuồng Gia Long tẩu quốc được công diễn tại Nhà Hát Tây Sài Gòn, cách hát mới lạ này mới "bành trướng không thôi, mở đầu cho nghề mới, lấy đờn ca và ca ra bộ ra chỉnh đốn, thêm thắt mãi, vừa canh tân, vừa cải cách...nên cải lương hình thành lúc nào cũng không ai biết rõ.
Từ Đờn ca tài tử
Đã đến lúc, theo Vương Hồng Sển, người ta nghe hát bội hoài, hát bội mãi, cũng chán tai thét hóa nhàm[4] thì các ban tài tử đờn ca xuất hiện.
Buổi đầu, khoảng cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, các nhóm đờn ca được thành lập cốt để tiêu khiển, để phục vụ trong các buổi lễ tại tư gia, như đám tang, lễ giỗ, tân hôn...nhưng chưa hề biểu diễn trên sân khấu hay trước công chúng.
Và nếu trước kia “cầm” (trong “cầm, kỳ thi, họa”) là của tầng lớp thượng lưu thì đến giai đoạn này nó không còn bị bó buộc trong phạm vi đó nữa, mà đã phổ biến rộng ra ngoài. Chính vì thế nhạc tài tử ở các tỉnh phía Nam, về nội dung lẫn hình thức, dần dà thoát ly khỏi nhạc truyền thống có gốc từ Trung, Bắc.
Nhắc lại giai đoạn này, trong Hồi ký 50 năm mê hát, có đoạn:
Căn cứ theo sách vở thâu thập và những lời của người lớn tuổi nói lại, và nếu tôi (Vương Hồng Sển) không lầm thì buổi sơ khởi của cải lương, là do sự ngẫu nhiên, sự tình cờ, là do lòng ái quốc mà nên.
Tác giả giải thích:
Người miền Nam có cái hay là khi biết dùng bạo lực cải hại thân vào tù, thì họ không dùng bạo lực. Họ cố đè nén lòng thương nước, chôn giấu trong một bề ngoài lêu lổng, chơi bời...Họ (những tài tử) thường tụ họp vừa tập ca cho vui, vừa trau giồi nghệ thuật...rồi mỗi khi có đám tang, vào lúc canh khuya...họ cũng hòa đờn, tập dượt ca cho đúng nhịp, để đánh cơn buồn ngủ. Sau thành thói tục, mỗi dịp “quan - hôn - tang - tế” (chủ nhà) đều có mời họ cho rôm đám.[4]
Khi ấy, Đàn ca tài tử gồm hai nhóm:
Nhóm tài tử miền Tây Nam Bộ, như: Bầu An, Lê Tài Khị (Nhạc Khị), Nguyễn Quan Đại (Ba Đợi), Trần Quang Diệm, Tống Hữu Định, Kinh Lịch Qườn, Phạm Đăng Đàn...
Nhóm tài tử Sài Gòn, như: Nguyễn Liên Phong, Phan Hiển Đạo, Nguyễn Tùng Bá...
[sửa]Đến lối Ca ra bộ
Qua lối năm 1910, ông Trần Văn Khải kể:
Ở Mỹ Tho có ban tài tử của Nguyễn Tống Triều, người Cái Thia, tục gọi Tư Triều (đờn kìm), Mười Lý (thổi tiêu), Chín Quán (đờn độc huyền), Bảy Vô (đờn cò), cô Hai Nhiễu (đờn tranh), cô Ba Đắc (ca sĩ). Phần nhiều tài tử nầy được chọn đi trình bày cổ nhạc Việt Nam tại cuộc triển lãm ở Pháp. Khi về, họ cho biết rằng Ban tổ chức có cho họ được đờn ca trên sân khấu và được công chúng đến xem đông đảo...[5]
Nghe được cách cho "đờn ca trên sân khấu", Thầy Hộ, chủ rạp chiếu bóng Casino, ở sau chợ Mỹ Tho, bèn mời ban tài tử Tư Triều, đến trình diễn mỗi tối thứ tư và thứ bảy trên sân khấu, trước khi chiếu bóng, được công chúng hoan nghinh nhiệt liệt.
Trong thời kỳ này, Mỹ Tho là đầu mối xe lửa đi Sài Gòn. Khách ở các tỉnh miền Tây muốn đi Sài Gòn đều phải ghé trạm Mỹ Tho. Trong số khách, có ông Phó Mười Hai ở Vĩnh Long là người hâm mộ cầm ca. Khi ông nghe cô Ba Đắc ca bài Tứ Đại, như bài “ Bùi Kiệm - Nguyệt Nga”, với một giọng gần như có đối đáp, nhưng cô không ra bộ. Khi về lại Vĩnh Long, ông liền cho người ca đứng trên bộ ván ngựa và "ca ra bộ"[6]. Ca ra bộ phát sinh từ đó, lối năm 1915 - 1916.
Cũng theo Vương Hồng Sển:
các điệu ca ra bộ và cải lương sau này đều chịu ảnh hưởng của các buổi hát nhân những kỳ bãi tường do các trường trung học Taberd, Mỹ Tho, trường tỉnh Sóc Trăng...Cho nên chúng ta không nên ơn các nhà tiền bối, phần đông là các giáo sư trường Pháp, đã có sáng kiến dìu dắt và dạy cho ta biết một nghệ thuật hát ca khác với điệu hát bội thời ấy...[7]
Nhà văn Sơn Nam còn cho biết:
năm 1917, Lương Khắc Ninh, sành về hát bội, đã diễn thuyết tại hội khuyến học Sài Gòn: Người An Nam ta thuở nay vẫn cho nghề hát là nghề hạ tiện, nên người có học thức một ít thì không làm…(nay) muốn cải lương phải làm sao?...Chuyện nói đây không khó. Có học trò trường Taberd đến lúc phát thưởng, nó ra hát theo Lang Sa (Pháp), bộ tịch như Lang Sa. Rất đổi là hát theo ngoại quốc, trẻ em còn làm được, hà huống người An Nam mà hát An Nam không được sao?...Rồi đoàn ca nhạc kịch bên Pháp mỗi năm sáu tháng đã đến Sài Gòn trình diễn, có màn có cảnh phân minh, mỗi tuồng dứt trọn một đêm. Công chúng người Việt hâm mộ, thấy hợp lý, thêm tranh cảnh gọi Sơn thủy, đẹp mắt.[8]
Và rồi ngay năm này (1917), ông André Thận (Lê Văn Thận) ở Sa Đéc lập gánh hát xiệc, có thêm ít màn ca ra bộ.
[sửa]Hình thành Cải lương
Từ Anh, Năm Châu, Tư Út, Phùng Há, Ba Liên trong tuồng Khúc Oan Vô Lượng, gánh Trần Đắc (Cần Thơ) diễn trên sân khấu khoảng năm 1931
Qua năm 1918, cũng theo Vương Hồng Sển, năm 1918, bỗng Tây thắng trận ngang (Đệ nhất thế chiến), mừng quá, toàn quyền Albert Sarraut nới tay cho phép phe trí thức bày ra một cuộc hát lấy tiền dâng “mẫu quốc” và cho phép lập hội gánh hát để dân bản xứ lãng quên việc nước, thừa dịp đó dân trong Nam bèn trau giồi nghề đờn ca và đưa tài tử salon lên sân khấu...[9]. Nhân cơ hội ấy, ông Năm Tú (Châu Văn Tú) ở Mỹ Tho chuộc gánh của ông André Thận rồi sắm thêm màn cảnh, y phục và nhờ ông Trương Duy Toản soạn tuồng, đánh dấu sự ra đời của loại hình nghệ thuật cải lương.
Đến năm 1920, cái tên “cải lương” xuất hiện lần đầu tiên trên bản hiệu gánh hát Tân Thịnh (1920) với câu liên đối:
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.
Mặc dù Vương Hồng Sển đã nói cải lương hình thành lúc nào cũng không ai biết rõ, nhưng theo sự hiểu của ông thì:
Năm 1915 trở về trước, tại miền Nam, tài tử còn ca kiểu “độc thoại”.
Năm 1916, có ca kiểu "đối thoại" (ca ra bộ)
Đêm 16 tháng 11 năm 1918, tại Rạp Hát Tây Sài Gòn, có diễn tuồng Pháp - Việt nhứt gia (tức Gia Long tẩu quốc) đánh dấu thời kỳ phôi thai của cải lương.
Sau đêm này, André Thận trước và Năm Tú sau, đã đưa cải lương lên sân khấu thiệt thọ. Năm 1922, tuồng Trang Tử thử vợ và tuồng Kim Vân Kiều diễn tại rạp Mỹ Tho rồi lên diễn tại rạp Chợ Lớn và rạp Modern Sài Gòn...lúc này hát cải lương mới thành hình thật sự...[10]
Và diễn biến tiếp theo của cải lương được Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam tóm gọn như sau:
Những năm 1920 - 1930 là thời kì phát triển rực rỡ, nhiều gánh hát ra đời, nổi tiếng nhất là hai gánh Phước Cương và Trần Đắc có dàn kịch gồm 3 loại: các tuồng tích của Trung Quốc, loại xã hội và loại phóng tác (như "Tơ vương đến thác", "Giá trị và danh dự").
Trong thời kì 1930 - 1934, nghệ thuật cải lương lan truyền ra ngoài Bắc và nhiều nghệ sĩ xuất sắc xuất hiện như Năm Phỉ, Phùng Há, Bảy Nhiêu, Năm Châu... Thời kì kinh tế khủng hoảng, nhiều gánh hát tan rã. Dựa vào tâm lí của dân chúng ngả về tôn giáo, các gánh hát đua nhau diễn các tích về Phật, tiên, đi đầu là gánh hát Tân Thịnh.
Từ 1934, xuất hiện phong trào "kiếm hiệp", đi đầu là gánh Nhạn Trắng và tác giả Mộng Vân người Bạc Liêu. Những vở nổi tiếng: "Chiếc lá vàng", "Bích Liên vương nữ", "Bảo Nguyệt Nương". Từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay... Nhiều vở diễn mới xuất hiện, nội dung phong phú và đa dạng.[11]
[sửa]Phát triển và Hưng thịnh
Tại miền Nam Việt Nam, thập niên 60 là thập niên hưng thịnh nhất của cải lương miền Nam, lấn át cả tân nhạc. Các sân khấu cải lương được đông khán giả đến xem hàng ngày, nên ngày nào cũng có diễn xuất, nhờ đó, các soạn giả và nghệ sĩ có cuộc sống khá sung túc, và một số ca sĩ tân nhạc phải tìm cách chuyển nghề sang hát cải lương để tìm kiếm thành công như Hùng Cường [12]. Riêng tại vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định đã có trên 39 rạp hát cải lương [13] và 20 nơi luyện cổ nhạc (gọi là "lò"), trong đó có những "lò" nổi tiếng như của Út Trong (từng là trưởng giàn cổ nhạc của gánh Thanh Minh suốt 13 năm, và là người đã huấn luyện Thanh Nga từ lúc còn thơ ấu), Văn Vĩ, Duy Trì, Huỳnh Hà, Tư Tân, Yên Sơn, Ba Giáo v.v.[12]. Trong những giải thưởng của ngành Cải lương thời đó, nổi tiếng và uy tín có giải Thanh Tâm, do ông ký giả Thanh Tâm (tên thật là Trần Tấn Quốc) thành lập, hoạt động từ năm 1958 đến năm 1968, mà người nhận giải đầu tiên là nữ nghệ sĩ Thanh Nga [14]. Những soạn giả tuồng nồi tiếng trong thời này có Năm Châu, Hà Triều, Hoa Phượng, Bảy Cao, Thiếu Linh, Thu An, Viễn Châu ( sáng tạo hình thức tân cổ giao duyên, tức là hát cải lương chung với tân nhạc) [15][16]. Những gánh hát cải lương nổi tiếng thời này có đoàn Thanh Minh, Thống Nhứt, Tiếng Chuông Vàng,... với những nghệ sĩ như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài, Dũng Thanh Lâm, Minh Cảnh, Minh Vương, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ, Thanh Thanh Hoa, v.v.... [17]
Sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, cải lương miền Nam còn hoạt động mạnh 10 năm nữa, đến năm 1985, mới dần dần sa sút [13], vì nhiều lý do, trong đó có thiếu kịch bản hay, thiếu rạp diễn mới và thế hệ lão thành tàn lụi.
[sửa]Đặc điểm
[sửa]Bố cục
Khởi sự, các vở cải lương viết về các tích xưa, như Trảm Trịnh Ân, Vợ Ngũ Vân Thiệu bị tên, Cao Lũng vít thiết xa, Ngưu Cao tảo mộ, Thoại Khanh Châu Tuấn...hãy còn giữ mang hơi hướm theo kiểu hát bội, do các soạn giả lớp cải lương đầu tiên vốn là soạn giả của sân khấu hát bội. Sau này, các vở về đề tài xã hội mới (gọi là tuồng xã hội), như Tội của ai, khúc oan vô lượng, Tứ đổ tường... thì hoàn toàn theo cách bố cục của kịch nói, nghĩa là vở kịch được phân thành hồi, màn, lớp, có mở màn, hạ màn, theo sự tiến triển của hành động kịch. Càng về sau thì bố cục của các vở cải lương, kể cả các vở viết về đề tài xưa cũng theo kiểu bố cục của kịch nói.
[sửa]Đề tài & cốt truyện
Buổi đầu, kịch bản cải lương lấy cốt truyện của các truyện thơ Nôm như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên...hoặc các vở tuồng hát bội, hoặc phỏng theo truyện phim và kịch bản Pháp, như Bằng hữu binh nhung (frères d’arme), Sắc giết người (Atlantide), Giá trị và danh dự (Le Cid), Tơ vương đến thác (La dame au camélias)... Vào những năm 1930, đã xuất hiện những vỡ mới viết về đề tài xã hội Việt Nam như đã kể trên.
Sau đó, lại có thêm các kịch bản dựa vào các truyện cổ Ấn Độ, Ai Cập, La Mã, Nhật Bản, Mông Cổ...Thế là cải lương có đủ loại tuồng ta, tuồng Tàu, tuồng Tây...sau có thêm dạng tuồng kiếm hiệp, tuồng Hồ Quảng v.v...chứng tỏ khả năng phong phú, biết đáp ứng sở thích của nhiều tầng lớp công chúng.
Sự dung nạp không thành kiến của cải lương có thể coi là sự lai tạp, nhưng đây cũng là khía cạnh đặc điểm có tính chất chung đối với văn hóa của vùng đất Nam Bộ.
[sửa]Ca nhạc
Các loại hình sân khấu như hát bội, chèo, cải lương được gọi là ca kịch. Là ca kịch chứ không phải là nhạc kịch, vì soạn giả không sáng tác nhạc mà chỉ soạn lời ca theo các bản nhạc có sẵn, cốt sao cho phù hợp với các diễn biến cùng sắc thái tình cảm của câu chuyện.
Sân khấu cải lương sử dụng cái vốn dân ca nhạc cổ rất phong phú của Nam Bộ. Trên bước đường phát triển nó được bổ sung thêm một số bài bản mới (như Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu mà sau này mang tên vọng cổ). Nó cũng gồm một số điệu ca vốn là nhạc Trung Hoa nhưng đã Việt Nam hóa. Ngoài trừ bản vọng cổ, dưới đây là một số bài bản được sử dụng khá phổ biến trong các tuồng cải lương:
- Tam nam: Nam xuân, Nam ai, Nam đảo (đảo ngũ cung) - Khốc hoàng thiên - Phụng hoàng - Nặng tình xưa - Ngũ điểm - Bài tạ - Sương chiều - Tú Anh - Xang xừ líu - Văn thiên tường (nhất là lớp dựng) - Ngựa ô bắc - Ngựa ô nam - Đoản khúc Lam giang - Phi vân điệp khúc - Vọng kim lang - Kim tiền bản - Duyên kỳ ngộ - U líu u xáng - Trăng thu dạ khúc - Xàng xê v.v... - Và các điệu lý, như: giao duyên, lý con sáo, lý tòng quân, lý cái mơn v.v..
Ngoài ra, khi các bài hát tây bắt đầu xuất hiện trên sân khấu cải lương như: Pouet Pouet (trong Tiếng nói trái tim), Marinella (trong Phũ phàng), Tango mysterieux (trong Ðóa hoa rừng)…thì lúc bấy giờ trong một đoàn cải lương xã hội có hai dàn nhạc: dàn nhạc cải lương thì ngồi ở trong, còn dàn nhạc jazz thì ngồi ở trước sân khấu...
[sửa]Diễn xuất
Diễn viên cải lương diễn xuất như kịch nói. Chỉ khác là diễn viên ca chứ không nói. Cử chỉ điệu bộ phù hợp theo lời ca, chứ không cường điệu như hát bội. Vương Hồng Sển nói: Hát bội tượng trưng nhiều quá và la lối lớn tiếng quá, trái lại cải lương ca rỉ rả cho thêm muồi...[18]
Sau này (khoảng những năm 60), cải lương có pha thêm những cảnh múa, đu bay, diễn võ...cốt chỉ để thêm sinh động...
[sửa]Y phục, tranh cảnh
Trong các vở diễn về tuồng tích xưa hay lấy cốt truyện ở nước ngoài thì y phục của diễn viên và tranh cảnh trên sân khấu cũng được chọn lựa sao gợi được bối cảnh nơi xảy ra câu chuyện, nhưng cũng chỉ mới có tính ước lệ chứ chưa đúng với hiện thực. Trong các vở về đề tài xã hội, diễn viên ăn mặc như nhân vật ngoài đời.
[sửa]Ghi công
Sơ khởi nên kể công ông Tống Hữu Định (tức Phó Mười Hai). Kế đó, người có công gầy dựng và đưa lên sân khấu là ông André Thận. Bên cạnh đó còn có vài người góp sức như: Kinh-lịch Quờn (hay Hườn), Phạm Đăng Đàng...
Ngoài ra còn phải kể đến công của những bầu gánh, soạn giả, nhạc sĩ và các đào kép tài danh thuộc thế hệ đầu, như: Tư Sự (gánh Đồng Bào Nam), Hai Cu (gánh Nam Đồng Ban), Trần Ngọc Viện (gánh Nữ Đồng Ban), Trương Duy Toản, Ba Ðại, Hai Trì, Nhạc khị, Năm Triều, Sáu Lầu (Cao Văn Lầu), Nguyễn Tri Khương, Trần Văn Chiều (tự Bảy Triều), Ba Ðắc, Bảy Lung, Ba Niêm, Hai Nhiều, Hai Cúc, Năm Phỉ, Ngọc Xứng, Ngọc Sương, Phùng Há, Tư Sạng, Hai Giỏi, Năm Nở, Trần Hữu Trang, Tư Chơi, Năm Châu, Ba Vân, Bảy Nam v.v... Tất cả đã góp phần hình thành và phát triển loại hình nghệ thuật cải lương.
Cũng nên nói thêm, từ sau Hiệp định Geneve (1954), cải lương càng có cơ hội phát triển mạnh mẽ, trở thành một loại hình nghệ thuật, một bộ môn sân khấu có khả năng thu hút đông đảo khán thính giả. Và do sáng kiến của ông Trần Tấn Quốc, một nhà báo kỳ cựu, giải Thanh Tâm được thành lập năm 1958 và liên tiếp mỗi năm kế sau đều có phát huy chương và khen thưởng cho những nam nữ nghệ sĩ trẻ có triển vọng nhất trong năm.