Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há qua đờiĐược coi là vị tổ cuối cùng của nghệ thuật cải lương Nam Bộ, vào lúc 0h30 sáng 5/7, NSND Phùng Há đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Nguyễn Trãi (TP HCM). Bà hưởng thọ 99 tuổi.
Nghệ sĩ nhân dân Phùng HáCách đây 3 tháng, ngày 30/4, vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn, NSND Phùng Há đã tổ chức lễ mừng thọ 99 tuổi. Nhưng 1 tuần trở lại đây, sức khỏe của nữ nghệ sĩ đột ngột xấu đi nên bà phải nhập viện để các bác sĩ theo dõi và điều trị bệnh thiếu máu ở người già. Tuy nhiên do tuổi cao, sức yếu, nghệ sĩ Phùng Há đã không vượt qua được cơn bệnh cuối cùnTrong suốt 99 năm dương trần, NSND Phùng Há cống hiến phần lớn thời gian cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà. Ngoài ra bà còn sáng lập nên Viện dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8, TP HCM và chùa Nghệ sĩ ở quận Gò Vấp để chăm lo, nuôi dưỡng các nghệ sĩ già yếu, neo đơn. Bà cũng chu đáo lập nên cả nghĩa trang Nghệ sĩ cũng ở quận Gò Vấp làm nơi an táng các nghệ sĩ khi qua đời.
NSND Phùng Há được nhiều khán giả, bạn bè và người dân yêu mến bởi những đóng góp to lớn trong nghệ thuật và tấm lòng cao đẹp của bà trong đời sống. Tuổi đã cao, nữ nghệ sĩ vẫn thường tham gia các hoạt động từ thiện, tặng quà cho bà con nghèo. Cách đây gần 3 tháng, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 99, mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng nghệ sĩ Phùng Há vẫn kiên quyết theo đoàn từ thiện của chùa Nghệ sĩ đi thăm hỏi, phát thuốc, khám bệnh cho bà con nghèo của tỉnh Bình Phước.
Việc NSND Phùng Há qua đời để lại nhiều thương tiếc cho người thân, học trò, bạn bè, đồng nghiệp và các khán giả hâm mộ nghệ thuật cải lương.
14h chiều 5/7, lễ tẩm liệm NSND Phùng Há được tổ chức tại chùa Nghệ sĩ, quận Gò Vấp, TP HCM. 18h cùng ngày, thi hài bà được di quan đến nhà tang lễ thành phố và 10h ngày 8/7 linh cữu nữ nghệ sĩ sẽ được đưa về chùa Nghệ sĩ và an táng tại nghĩa trang Nghệ sĩ quận Gò Vấp.
NSND Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo. Bà sinh năm 1911 tại làng Điều Hòa, TP Mỹ Tho, Tiền Giang.
Vai diễn đầu tiên do Phùng Há thể hiện khi mới 13 tuổi là vai Giả Thị trong vở Hoàng Phi Hổ quy châu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh. Từ năm 14 tuổi, Phùng Há bắt đầu hát vai chính với nhiều dạng nhân vật khác nhau từ bi đến hài và cả những vai kép võ.
Vai đào chính đầu tiên Phùng Há đảm nhận là Thúy Kiều trong vở Kim Vân Kiều của soạn giả Trương Duy Toản. Sau này, bà còn thủ vai chính trong nhiều vở tuồng nổi tiếng như Tái sanh duyên, Mổ tim Tỷ cang, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Phụng Nghi Đình, Tình sử Dương Quý Phi, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Mạnh Lệ Quân...
Ngoài ra, NSND Phùng Há còn tham gia giảng dạy tại khoa Diễn viên cải lương, trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn từ năm 1963. Học trò của bà sau này đều là các nghệ sĩ ưu tú như Thanh Nga, Bạch Tuyết, Thanh Sang, Thanh Thanh Hoa...
Sau ngày miền Nam giải phóng, Phùng Há cùng NSND Nguyễn Thành Châu, NSND Ba Vân làm cố vấn cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và tham gia giảng dạy, đào tạo các nghệ sĩ thế hệ sau như Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Tấn Giao, Tô Châu, Thanh Lựu, Mỹ Hằng...
Bà từng có hai người chồng là ông Lê Công Phước, còn gọi là Phước George, tức Bạch công tử trong giai thoại "Hắc - Bạch công tử xài tiền như nước" và ông Nguyễn Bửu, thân sinh của tướng Nguyễn Khánh thời Ngô Đình Diệm.
Phùng Há không có nhiều hạnh phúc trong hôn nhân, người con gái duy nhất cũng đã mất nên sau khi chia tay người chồng thứ hai là ông Nguyễn Bửu, bà sống cùng các cháu rồi sau chuyển tới sống tại chùa Nghệ sĩ, quận Gò Vấp, TP HCM.
Theo Vnexpress